CẦU NGUYỆN BẰNG PHƯƠNG PHÁP ĐỐI THOẠI CỦA ĐỨC CHA LAMBERT

 “Một chén đắng khi đầy khi vơi,”  lời bài hát Hồn Tông Đồ của nhạc sĩ Thiên Thanh đã nêu bật sứ vụ truyền giáo của Đức cha Lambert. Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao tư tưởng và lửa nhiệt huyết trong lòng Đức cha Lambert luôn bừng cháy dù sứ vụ truyền giáo gặp quá nhiều trắc trở? Thường xuyên đối thoại với Thiên Chúa –  đó là câu trả lời từ những di cảo liên quan đến đời sống cầu nguyện của Đấng sáng lập. Để làm rõ ý tưởng này, chủ đề cầu nguyện bằng phương pháp đối thoại của Đức cha Lambert sẽ tìm hiểu qua ba điểm: Thứ nhất, Đức cha lưu tâm cách đặc biệt đến phương thế cầu nguyện đối thoại;Thứ hai, cách thức thực hiện cầu nguyện đối thoại;Thứ ba, kinh nghiệm cầu nguyện đối thoại của Đức cha Lambert.Hy vọng bài viết có thể mang lại một chút ý niệm về phương pháp cầu nguyện của Đấng Sáng Lập hầu có thể giúp ích một phần nào cho chị em đang gặp khó khăn trong đời sống sứ vụ và giúp chị em tiến xa hơn trong đời sống thiêng liêng.Trước tiên, bài viết xin tìm hiểu phương pháp cầu nguyện được Đức cha Lambert lưu tâm cách đặc biệt. Năm 1661, bức thư đầu tiên Đức cha Lambert gửi cha linh hướng khi đang trên đường đến vùng Viễn Đông, ngài viết: “Đối thoại liên lỉ với Thiên Chúa dưới tác động của Chúa Thánh Thần là phương thế hữu hiệu nhất để gia tăng đời sống thiêng” (x.1T. Hal 20-21). Hơn một năm sau, trong kỳ tĩnh tâm 40 ngày tại vùng đất truyền giáo, vùng đất Ayutthaya[1], tư tưởng này được nói rõ hơn trong bài nguyện ngắm đầu tiên “Trao đổi với Thiên Chúa về cách thức làm sáng danh Chúa và cứu độ tha nhân là nhiệm vụ chính yếu của Hiệp Hội Những Người Mến Thánh Giá” (x.1Nng 7a). Tháng 11 năm 1663, cũng trong một cuộc tĩnh tâm 40 ngày, Đức cha Lambert lại đề cập đến tư tưởng này trong bài nguyện ngắm thứ ba: “Việc chuyên cần trò chuyện với Thiên Chúa là nhiệm vụ căn bản của Hiệp Hội Những Người Mến Thánh Giá, để qua việc trò chuyện, người ta học được cách thức lôi cuốn các tâm hồn tới sự hiểu biết và yêu mến Chúa cách thánh thiện” (3Nng 18).Có thể nói, Đức cha Lambert rất lưu tâm đến cách cầu nguyện đối thoại, vì ngài xem đây là phương thế cầu nguyện hữu hiệu nhất, là nhiệm vụ căn bản và chính yếu của Hiệp Hội Những Người Mến Thánh Giá, để tìm ra ý muốn và cách thi hành ý Chúa trong hành trình sứ vụ. Nói cách khác, Đức cha Lambert thao thức, mong muốn những người bước theo linh đạo của ngài, có thể đối thoại thường xuyên với Thiên Chúa. Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là làm cách nào để con người đầy hữu hạn có thể trò chuyện với Đấng siêu việt?Thật vậy, Đức cha Lambert đã khẳng định rằng: “Thực hành thường xuyên dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần là con đường duy nhất giúp người ta thành thạo trong phương pháp cầu nguyện đối thoại” (x. 1T. Hal 20-21). Bài nguyện ngắm thứ tư đã hỗ trợ cho ý tưởng này khi nói: “Phải tin rằng Thần Khí đang ngự trong lòng mình nên phải hoàn toàn chú tâm để lắng nghe Người” (4Nng 12). Dù hai bản văn này đã hướng dẫn về việc đối thoại với Thiên Chúa, nhưng dường như vẫn còn thiếu hụt đối với những người chưa bao giờ thực hành phương pháp này?  Câu trả lời được diễn tả trong bức thư đầu tiên gửi cha Halle, Đức cha Lambert đã nhấn mạnh việc thực hành và trung thành với tác động của Thần Khí, ngài không đưa ra những công thức và cũng không bó buộc mọi người vào trong “khuôn khổ”, vì ngài hoàn toàn tin tưởng vào sự hướng dẫn và chương trình của Thiên Chúa trên từng người. Nói cách khác, ngài đã “chừa” một khoảng trống trong việc đối thoại, để Thiên Chúa hướng dẫn mỗi người theo ý muốn của Người (x. 1T. Hal 22).Việc đối thoại thường xuyên với Thiên Chúa giúp cho đời sống thiêng liêng và đời sống sứ vụ thăng tiến vượt trội, nhưng để phân biệt ý Chúa và ý bản thân, Đức cha cho rằng phải tuyệt đối trung thành với Giáo hội và vâng phục Đức Thánh Cha một cách trọn vẹn. Hội Tông đồ là một bằng chứng sống động. Mặc dù Đức cha đã thao thức và say mê thực hành nguyên tắc khắc khổ của Hội Tông đồ hơn ba năm, nhưng khi Tòa Thánh không cho phép thực hành lối sống khắc khổ, ngài đã từ bỏ lối sống tâm đắc đó và trở về lối sống giáo sĩ bình thường. Như vậy, Đức cha đã phân biệt ý Chúa và ý bản thân bằng cách trung thành và dựa trên giáo huấn của Giáo hội.Như thế, thường xuyên thực hành dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần là cách thức duy nhất giúp những người theo linh đạo Mến Thánh Giá có thể đối thoại với Thiên Chúa, đó là điều cốt lõi. Bên cạnh đó, kinh nghiệm sống cụ thể của Đức cha Lambert có thể làm sáng rõ hơn phần nào vấn đề này.Bài viết xin đưa ra hai kinh nghiệm đối thoại của Đức cha Lambert cụ thể: thứ nhất, phương thế cầu nguyện đối thoại của Đức cha trong Bài tự sự; thứ hai, kết quả của cuộc đối thoại trong thư thứ hai gửi cha Halle.Bài tự sự đã mô tả cách cầu nguyện đối thoại của Đức cha, ngài đã xin Chúa soi sáng cách thức biểu lộ tình yêu phi thường với Chúa Giêsu Kitô và ngài đã nhận được câu trả lời trong nội tâm ý niệm này từ rất lâu. Đặc biệt, sau khi nghe câu trả lời trong nội tâm, ngài ước muốn thi hành cực độ thậm chí có thể chết cho lời ấy (x. Bts1, 1-3). Như vậy, với hai cụm từ: “cầu xin” và “câu trả lời trong nội tâm” chứng tỏ đây là một cuộc đối thoại với Thiên Chúa. Đồng thời, sau khi cầu xin, Đức cha Lambert thường nhận được câu trả lời từ Thiên Chúa, đặc biệt câu trả lời khiến ngài khao khát thực hiện đến mức có thể hy sinh mạng sống vì lời đó.Thư thứ hai gửi cha Halle vào ngày 15 tháng 7 năm 1671, Đức cha Lambert nói “Ngài nhận ra Chúa Cứu Thế muốn ngài chịu đựng thập giá và ngài sẵn sàng vâng theo với lòng say mến” (2T. Hal 10). Mặc dù, câu nói này không trực tiếp đề cập đến cuộc đối thoại với Thiên Chúa, nhưng có hai lý do giúp nhận ra đây là kết quả của cuộc đối thoại: thứ nhất, Đức cha đã dùng từ “thấy rõ” để chỉ điều ngài đã nhận được từ Chúa; Thứ hai, sau khi “thấy rõ” thánh ý của Chúa, ngài phục tùng triệt để ý muốn đó, dù sẽ gặp nhiều đau khổ.Xem ra, sự vâng phục ý muốn của Thiên Chúa trong bức thư khá đơn giản, nhưng thực tế Đức cha Lambert đã phải trả bằng giá rất đắt. Thật vậy, cái chết đột ngột của hai cha Brindeau và Hainques tại Đàng Trong đã dẫy lên lòng nghi ngờ : các cha chết là vì bị đầu độc, nghĩa là vùng đất Đàng Trong có thể là một nơi nguy hiểm cho tính mạng của các vị thừa sai. Trước tình hình đó, các linh mục và thầy giảng Đàng Trong sang Thái Lan xin Đức cha đến với họ, vì họ không còn người chăn dắt. Sau năm ngày viết thư cho cha Halle về việc nhận ra ý Chúa qua việc đối thoại, Đức cha đã bước xuống chiếc thuyền nhỏ, không đinh, không dây, không buồm bạt, không hoa tiêu,[2] ngài cùng với năm thủy thủ, một đầu bếp và bốn linh mục đến Đàng Trong. Bất chấp bốn mươi ngày nguy hiểm trên biển, đối mặt với những cơn bão tố và hải tặc. Ngài vẫn một lòng mong ngóng đến với con chiên đang bơ vơ tại Đàng Trong. Thế nhưng, những ngày bấp bênh trên biển đã qua, Đức cha lại thêm một tháng trên giường bệnh vì “con chiên” của ngài đã chuẩn bị sẵn cái chết để đón tiếp vị chủ chăn của mình bằng quả mứt cam tẩm thuốc độc.[3] “Chén đắng đầy vơi” thật sự thấm thía trong hoàn cảnh lúc này của Đức cha Lambert. Sau những ngày trên giường bệnh, dù vẫn còn suy nhược bởi chất độc, ngài vẫn tiếp tục rửa tội và ban Phép Thêm Sức cho nhiều người, đi thăm khu truyền giáo, mộ cha Brindeau và Hainques, đặc biệt ngài đã lập Dòng Mến Thánh Giá tại An Chỉ.[4]Nhìn lại hai trường hợp trên, ta thấy rằng nhờ việc đối thoại với Thiên Chúa, Đức cha đã không chùn bước và hăng say thực thi sứ vụ. Thật vậy, thư thứ hai gửi cha Halle như một minh chứng sống động cho việc đối thoại với Thiên Chúa của Đức cha, đối thoại với Thiên Chúa đã cho ngài động lực, niềm tin và lòng say mê thực thi thánh ý Chúa đến mức sẵn sàng chấp nhận hy sinh mạng sống.Tóm lại, đối thoại thường xuyên với Thiên Chúa là phương thế cầu nguyện được Đức cha Lambert yêu thích cách đặc biệt và ngài cũng thao thức Những Người Mến Thánh Giá thường xuyên thực hành lối cầu nguyện này dưới tác động của Chúa Thánh Thần, để họ biết những điều Thiên Chúa muốn họ thực hiện trong hành trình sứ mạng làm vinh danh Chúa và lôi cuốn tha nhân đến với tình yêu Người. Nếu đối thoại thường xuyên với Thiên Chúa là nguồn mạch, sức sống của Đức cha Lambert trên đường sứ vụ, hy vọng rằng phương pháp này cũng thiêu đốt mỗi người chúng ta trên hành trình sứ vụ, dẫu rằng nước mắt và khó khăn vẫn còn đó, nhưng lửa nhiệt huyết không bao giờ bị dập tắt vì đã luôn gắn kết với Thiên Chúa. Đồng thời, cũng xin nhắc lại tiêu chuẩn giúp phân định ý Chúa và ý bản thân đó là: không đi ngược những lời dạy của Chúa, của Giáo Hội và luật dòng.[1] Theo F. FAUCONNET- BUZELIN, Người cha bị lãng quên của công cuộc truyền giáo hiện đại, Lucien Hoàng Gia Quảng dịch, Nxb Phương Đông, 2015, tr. 282: cuộc tĩnh tâm 40 ngày kết thúc vào ngày 10 tháng 10 năm 1662. Trong khi đó, bài nguyện ngắm 1 được viết vào ngày 6 và 7 tháng 9. Do đó, có thể nói bài Nguyện ngắm 1 được viết trong cuộc tĩnh tâm 40 ngày của Đức cha Lambert.[2] Theo Wikipedia tiếng Việt, truy cập ngày 1/11/2020.[3] Xem. F. FAUCONNET- BUZELIN, sđd, tr. 527: người này là một viên quan tại Phú Yên.[4]Xem. Đức Cha Lambert de la Motte Đấng Sáng Lập Dòng Mến Thánh Giá, tr. 99-100.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *